Lượt xem: 349

Mưu sinh theo con nước

“Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, bà con miền Tây vẫn thường hay dùng cách nói bông đùa như thế mỗi khi nhắc đến mùa nước nổi, mùa mà ruộng đồng được “tắm mát” sau bao tháng dài oằn mình trong sự khắc nghiệt của cái nắng chói chang và cả những đợt hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. Thiên nhiên đã thật “sòng phẳng” khi mang đến cho người dân vùng đồng bằng lượng phù sa màu mỡ cùng nguồn thủy sản tự nhiên phong phú kèm theo con nước đổ về từ thượng nguồn. Để rồi, cứ mỗi khi mực nước tràn đồng cũng là lúc người dân lại bắt đầu tất bật với những ngành nghề “ăn theo” con nước.

 


Đăng lưới bắt cá đồng, ảnh tư liệu.

 

    Khác với sự bị động mỗi khi lũ về như nhiều năm trước, giờ đây, bà con nông dân miền Tây đón lũ như chờ đón một người bạn trở về đúng hẹn vào tháng 7 hay tháng 8 âm lịch hằng năm. Người bạn ấy mang theo rất nhiều món quà là những sản vật từ thiên nhiên. Sau một vụ mùa, những cánh đồng cũng chưa vội ngưng nghỉ mà trở thành nơi trú ẩn của đa dạng các loại cá đồng.

    Khai thác nguồn lợi được thiên nhiên ban tặng, nghề đẩy côn cũng bắt đầu khởi động ở các cánh đồng thuộc địa hình vùng trũng của hầu hết các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ. Đây cũng được xem là ngành nghề đặc trưng khi chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi.

    Mưu sinh bằng đủ ngành nghề, nhưng vào mùa này, đẩy côn trở thành nghề "hái ra tiền" của rất nhiều thanh niên miền quê sông nước. Công việc đẩy côn được bắt đầu từ khi trời tờ mờ sáng và cũng có thể thực hiện nhiều lần trong ngày tùy theo nhu cầu của mỗi hộ gia đình. Trung bình cứ mỗi buổi đẩy côn, có thể thu hoạch được chừng 4-5 kg cá đồng các loại như: Cá trê, cá phi hay cá lóc... Những hôm “hên tay” đánh bắt được nhiều cá lớn là mỗi gia đình đã có thể thu về khoản tiền từ 300.000 - 400.000 đồng; còn không, thì ít ra cũng có được bữa cơm “thịnh soạn”, nhẹ lo phần nào tiền nong chợ búa trong vài ba hôm. Anh Lê Thanh Nam ở ấp Phước An B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú - người có nhiều năm gắn bó với nghề đẩy côn mùa nước cho biết: “Ở đây trong quê mà, thường đâu có công việc gì ổn định nên mùa này là lại bắt đầu đi đẩy côn. Thường đi lúc sáng sớm khi đó trời mát mình đẩy được nhiều mà không thấy mệt. Nghề này đâu cần đầu tư chi phí, cá có sẵn ngoài tự nhiên, chỉ cần mua cái lờ chừng 300 nghìn là sử dụng được mấy năm rồi...”.

    Thường thì vào mùa này, bà con nông dân không thể thực hiện vụ lúa Thu Đông khi nước đã bắt đầu ngập vào bên trong từng thửa ruộng. Thế nhưng, sự gián đoạn trong canh tác lúa cũng đồng thời mở ra một kế sinh nhai mới. Thay vì “khoanh tay bó gối”, nhiều bà con đã chủ động tận dụng diện tích đất ruộng sẵn có để đăng lưới, thả nuôi cá (hình thức này thường được gọi theo cách dễ hiểu là nuôi cá đăng quầng). Theo đó, rất nhiều giống cá khác nhau được thả nuôi kéo dài từ cuối tháng 7 đến tận tháng 11 âm lịch hằng năm. Theo tính toán, trung bình sau gần 4 tháng, mô hình này mang về cho bà con vùng trũng mức lợi nhuận dao động từ 30-50 triệu đồng tùy diện tích thả nuôi, cao gần 1,5 lần so với khi làm lúa. Hình thức nuôi cá như thế này vừa không tốn nhiều chi phí đầu tư, vừa nhẹ công chăm sóc, bởi cá được nuôi trong nguồn nước tự nhiên, tận dụng được thức ăn chủ yếu là lúa chét, rơm rạ sẵn có trên ruộng nên phát triển nhanh. Ngoài ra, mô hình nuôi cá trên ruộng còn giúp nông dân diệt được phần nào mầm mống sâu bệnh trên ruộng. Trong quá trình nuôi, cá để lại lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng giúp giảm được phần nào chi phí đầu tư cho vụ lúa sắp tới.

    Ông Nguyễn Văn Thum - ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú chia sẻ: “Khu vực ở đây là vùng trũng, mỗi năm làm được 2 vụ lúa thôi, làm vụ 3 là thất bát dữ lắm nên tôi chuyển sang nuôi cá đăng quầng gần 5,6 năm nay rồi. Nuôi cá này lợi nhuận hơn làm lúa, cá ăn các tạp chất giúp cho ruộng đồng sạch hơn, vụ sau mình sạ lúa lại cũng ít tốn phân thuốc”.

    Men theo dòng nước, lượng ốc bươu vàng cũng xuất hiện khá nhiều dọc trên khắp các mặt ruộng hay các tuyến kênh mương nội đồng. Từ một công việc nông nhàn, được xem là “ăn theo” mùa nước, thì nay, việc bắt ốc và lể ốc cũng dần dà trở thành một ngành nghề quen thuộc và các “xóm ốc” cũng từ đó được hình thành. Khung cảnh cứ cách vài cây số lại có một gia đình từ già đến trẻ cùng nhau ngồi lể ốc cạnh bờ sông đã trở thành một nét chấm phá thân quen của các vùng quê miền tây vào mỗi khi mực nước bắt đầu tràn đồng. Lượng ốc bươu vàng được bắt về hơn 100 kg mỗi ngày. Thịt ốc bán được với giá từ 15.000-17.000 đồng/kg. Thanh niên lo bắt ốc, vợ con hay các thành viên lớn tuổi hơn trong gia đình thì lo phần lể ốc, công việc này được kéo dài đều đặn như thế cho đến khi hết mùa. Ở nhiều khu vực vùng trũng không làm lúa Thu Đông là điều kiện cho ốc bươu vàng phát triển nên lượng ốc được thu về cũng theo đó càng nhiều hơn. Cứ như thế, “nghề lể ốc” từ lâu đã trở thành một nghề “sống khỏe” cho rất nhiều bà con mỗi khi con nước từ thượng nguồn bắt đầu đổ về. Anh Đặng Văn Út ở xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú cho biết thêm: “Gia đình chủ yếu đi bắt ốc vào ban đêm, đi từ 12 giờ khuya cho đến sáng để được nhiều ốc. Giờ bỏ vụ lúa nên đâu có làm gì khác nữa, kiếm sống nhờ nghề này là chủ yếu”.

    Ngoài việc làm ăn mang tính riêng lẻ trong mỗi hộ gia đình, ở nhiều huyện, thị xã tại Sóc Trăng còn hình thành những tổ hợp tác làm mắm để vừa sản xuất, vừa tiêu thụ số lượng cá đánh bắt được cho bà con trong vùng. Người dân vì thế cũng không còn phải nặng lo đầu ra sau một ngày dài dãi nắng dầm sương giữa ruộng đồng mênh mông nước. Công việc làm mắm thường kéo dài quanh năm, duy chỉ trong mùa nước nổi nguồn nguyên liệu mới thật sự dồi dào và nhu cầu thưởng thức đặc sản mắm quê cũng bắt đầu tăng cao. Nếu như ngày thường, mỗi cơ sở cung ứng chừng 20-30 kg mắm các loại thì vào những tháng này, số lượng hàng cung ứng lại tăng gấp đôi, có khi gấp 3 lần. Chị Đặng Thị Hồng Nhân - Tổ trưởng Tổ hợp tác làm mắm, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú thông tin: “Mùa nghịch không có cá thì làm lai rai vậy đó, nhưng mà tới tháng 7 tháng 8 âm lịch là bắt đầu làm nhiều. Bán được nhiều chỗ lắm, mua sỉ cũng có mà lẻ cũng có. Nói chung đầu ra ổn định, có khi nhiều người đặt mà mình không có đủ mắm để bán”.

    Mặc dù những năm gần đây, mực nước lũ đổ về ít hơn và lượng thủy sản tự nhiên cũng dần thưa thớt, nhưng sự ngóng trông mà người dân miệt đồng dành cho mùa nước nổi vẫn đậm sâu và da diết như thế. Bởi mùa nước nổi như là dịp để người dân quê tạm gác lại guồng quay không điểm dừng của những lo toan về cơm, áo, gạo tiền để hòa mình vào vẻ đẹp yên bình, tĩnh lặng nơi miệt vườn - điều mà sự tất bật trong bước đường mưu sinh thường nhật khiến họ chẳng còn thời gian để nhớ, để cảm nhận. Hy vọng nước sẽ tiếp tục về, lũ sẽ vẫn “đẹp” để nhiều hộ nông dân không còn phải làm vụ lúa Thu Đông trong nỗi lo thất mùa. Và, hộ không đất  sản xuất vẫn có thể kiếm thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình ở vùng nông thôn.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 53
  • Hôm nay: 7332
  • Trong tuần: 78,039
  • Tất cả: 11,801,359